Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em

Rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý (TÐGCY) là một liên thể bao gồm những biểu hiện giảm tập trung chú ý và tăng động xung động. Bệnh xuất hiện khởi đầu ở trẻ em dưới 6 tuổi và có xu hướng tiến triển kéo dài. Rối loạn này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và mối quan hệ xã hội của trẻ với những người xung quanh.
TĐGCY gặp ở 2 - 10% trẻ em lứa tuổi tiểu học, trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 10 lần.
Nguyên nhân của rối loạn TĐGCY do nhiều yếu tố kết hợp lẫn nhau như: do não của trẻ bị tổn thương trước và sau sinh (do mẹ tiếp xúc với hóa chất độc hại, uống nhiều rượu, hút thuốc, bất thường cấu trúc não, nhiễm độc chì, sang chấn sản khoa, đẻ ngạt, đẻ non, vàng da, bệnh lý nhiễm trùng nhiễm độc não sau sinh…), có yếu tố di truyền gia đình, kết hợp với yếu tố môi trường bất lợi như gia đình sống chật chội đông người, cách giáo dục trẻ không đúng … tác động đối với một trẻ có yếu tố sinh học không thuận lợi sẽ làm bộc lộ các dấu hiệu của rối loạn.
Theo phân loại quốc tế lần thứ 10 chia ra 3 thể: thể tăng động xung động chiếm ưu thế, thể giảm chú ý chiếm ưu thế và thể kết hợp (trẻ có cả tăng hoạt động và giảm tập trung chú ý).

Biểu hiện
Những biểu hiện thường quan sát thấy ở trẻ:
- Các dấu hiệu giảm tập trung chú ý: 9 dấu hiệu thường gặp: không tập trung vào nhiệm vụ, không cẩn thận tỉ mỉ trong học tập và công việc, không chú ý lắng nghe người khác nói, không tuân theo các hướng dẫn, không biết tổ chức công việc, không thích tham gia vào công việc đòi hỏi phải nỗ lực về trí tuệ, hay quên và làm mất đồ dùng học tập, dễ bị sao nhãng bởi những kích thích bên ngoài, hay đãng trí trong sinh hoạt hàng ngày.
- Các dấu hiệu tăng hoạt động, hấp tấp: Có 6 dấu hiệu tăng hoạt động: ngồi không yên, luôn cựa quậy chân tay, rất hay rời khỏi ghế khi phải ngồi một chỗ, luôn chạy nhảy leo trèo ở nơi không cho phép, khó tham gia vào các hoạt động tĩnh, luôn chân luôn tay như thể được gắn động cơ, nói quá nhiều.
Có 3 dấu hiệu của sự xung động hấp tấp: thường trả lời trước khi người hỏi chưa đặt xong câu hỏi, khó chờ đợi lần lượt thứ tự, hay nói chen ngang vào hội thoại của người khác.
Chẩn đoán
Để xác định trẻ bị tăng động giảm chú ý cần cho trẻ đi khám chuyên khoa nhi và tâm lý. Trẻ được khám sức khỏe toàn diện, hỏi gia đình về tiền sử bệnh để tìm hiểu nguyên nhân, quá trình diễn biến và cách ứng phó của gia đình khi nhận thấy trẻ có vấn đề. Nhà chuyên môn cần quan sát hành vi của trẻ trong một số hoàn cảnh khác nhau như khi trẻ chơi, cách trẻ hoạt động, giao tiếp….
Chẩn đoán xác định dựa theo tiêu chuẩn của phân loại quốc tế lần 10: trẻ phải có 6 dấu hiệu của giảm chú ý và 6 dấu hiệu của tăng động xung động, khởi phát trước 7 tuổi, thời gian rối loạn kéo dài ít nhất 6 tháng và các dấu hiệu phải xảy ra trong hoặc trên hai hoàn cảnh khác nhau (ở nhà , ở trường…).
Có một số rối loạn khác thường đi kèm với TĐGCY như rối loạn bướng bỉnh chống đối, rối loạn cảm xúc, khó khăn về đọc, về viết, tật chứng về nói, nghiện chơi điện tử…
 Mẹ hút thuốc khi mang thai, con dễ bị TĐGCY
Ðiều trị
Việc trị liệu cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn với gia đình và nhà trường. Cần áp dụng liệu pháp tâm lý kết hợp với giáo dục phù hợp.
- Liệu pháp hành vi nhận thức: giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, nêu những hành vi tốt mà ta mong đợi ở trẻ, chia nhỏ nhiệm vụ thành các bước và hướng dẫn trẻ cách làm, khen thưởng khi trẻ tiến bộ để củng cố hành vi tốt.
-Huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội.
-Tư vấn gia đình dành thời gian quan tâm nhắc nhở trẻ và thống nhất cách dạy trẻ.
- Các bài tập vận động nhằm giúp trẻ lập kế hoạch vận động phù hợp, làm chủ vận động và trương lực cơ, một số bài tập tăng sự tập trung chú ý…
- Chơi trị liệu phù hợp giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi… Không nên chơi những trò chơi kích thích ngoài tầm kiểm soát của trẻ. Đi bộ, tập thư giãn tốt cho trẻ làm giảm mức độ tăng hoạt động.
Điều trị kết hợp thuốc với liệu pháp tâm lý đối với những trẻ quá tăng hoạt động: risperidone liều thấp, amitriptilin, clonidin liều thấp, các vitamin và một số yếu tố vi lượng.
Kết quả cho thấy những trẻ tăng động giảm chú ý có trí tuệ tốt được điều trị sớm có tiên lượng tốt hơn những trẻ có trí tuệ kém.
Nếu trẻ không được quan tâm đúng mức và can thiệp sớm, đến tuổi vị thành niên vấn đề trở nên rất khó khăn do trẻ thất bại về học tập, rối loạn các mối quan hệ với bạn bè và người xung quanh, trẻ kém tự tin, mặc cảm hoặc nhiễm các thói hư tật xấu, nghiện hút, đua xe, hành vi chống đối xã hội…
Có trên 30% trẻ vẫn có các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở tuổi trưởng thành, có nhiều khó khăn về nghề nghiệp, giảm hiệu quả lao động và học tập, dễ xung đột với người xung quanh, dễ bị rủi ro do tai nạn, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình … Do vậy việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm rối loạn này là rất cần thiết.   
Theo suckhoedoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét