Nhiều sách cổ viết rằng, ăn đậu đen chữa được chứng thủy thũng; tê thấp, bổ thận, giải độc cơ thể, phụ nữ dùng lâu ngày thì làm đẹp dung nhan. Có hai loại đậu đen là loại vỏ đen ruột trắng và loại vỏ đen ruột xanh gọi là đậu đen xanh lòng được sử dụng làm thuốc nhiều hơn.
Đông y cho rằng sắc đen thuộc hành thủy, liên quan đến tạng Thận, có tác dụng dẫn thuốc về Thận. Một số loại thuốc, nhất là hà thủ ô, vị thuốc bổ Thận, làm đen râu tóc, thường được sao tẩm nhiều lần với đậu đen. Hơn nữa, về mặt “thiên nhân tương ứng” đậu đen có hình dạng giống như quả thận trong thân người. Do đó, theo Y học cổ truyền, đậu đen có tác dụng bổ Thận.
Món chè đỗ đen: thời tiết oi bức của mùa hè làm cơ thể mất nước do tiết nhiều mồ hôi, gây mất cân bằng cơ thể khiến người mệt mỏi, bứt rứt. Một cốc chè đỗ đen mát lạnh là lựa chọn tuyệt vời để giúp cơ thể giải nhiệt chống lại thời tiết nắng nóng. Đỗ đen tính bình, vị ngọt, giá trị dinh dưỡng tương đối cao, chứa protein, ít chất béo, khoáng chất phong phú, ngoài ra còn chứa thành phần canxi, kẽm, sắt, beta carotin, vitamin B1, B2, B12 cần thiết cho cơ thể. Đối với người tinh thần trạng thái hay mất cân bằng, thể trạng yếu, đỗ đen có tác dụng bổ dưỡng. Đỗ đen giúp bổ thận, bổ máu và có tác dụng làm sáng mắt. Đặc biệt chè đỗ đen có tác dụng điều trị đối với thận yếu, lưng eo nhức mỏi, mặt sưng phù, phong thấp tê liệt, thấp khớp hoặc các bệnh lở loét. Chè đỗ đen còn có tác dụng làm sắc màu da sáng và mịn màng hơn. Tuy nhiên, còn tùy thể trạng mà ăn nhiều hay ít trong mỗi lần.
Món đậu đen hầm gà ác: dùng cho phụ nữ sau khi sinh lấy đậu đen hầm với gà ác là món ăn bổ huyết. Những người thận yếu với các triệu chứng hay đau mỏi lưng gối, răng khô, tóc rụng, xuất tinh sớm, di mộng tinh, dương sự kém sút, trí nhớ giảm, hay quên, khó ngủ...
Bổ thận, mạnh lưng gối: có thể dùng 100g đậu đen với một cặp chân gà ta, ninh nhừ, nêm vừa ăn... Tùy thể trạng mà ăn nhiều hay ít trong mỗi lần.
Chữa lưng sườn bỗng dưng đau nhói: đậu đen 200g, sao vàng ngâm rượu uống.
Chữa trúng phong cấm khẩu không nói được, tâm phiền hoảng hốt, tay chân không cử động được, hoặc đau bụng đầy hơi, hay ngất rồi tỉnh lại (dùng hỗ trợ hay trong điều kiện không có cơ sở y tế): dùng đậu đen lớn hạt nấu bỏ bã lấy nước cô thành cao mà ngậm. Sử dụng lâu ngày mới có công hiệu.
Chữa ngộ độc rau quả: đậu đen tán nhỏ ngâm rượu vắt lấy 0,5 lít nước cốt, chia ra uống trong ngày.
Chữa say rượu bất tỉnh: đậu đen 1.000g sắc lấy nước chia ra uống nhiều lần cho nôn ra thì khỏi.
Chữa trúng hàn: đậu đen sao cháy, đang lúc còn nóng đổ rượu vào uống xong thì trùm mền vào cho ra mồ hôi thì khỏi.
Chữa thượng tiêu hỏa bức, khạc ra máu hay ứ máu buồn phiền, khô ráo, khát nước: đậu đen 1 vốc, tử tô 2 cành, ô mai 2 quả, nước 3 bát, sắc lấy 6 phần nước, giã gừng sống vắt lấy 1 chén nước hòa vào rồi chia ra uống dần sau bữa ăn.
Chữa phù thũng nằm ngồi không yên: đậu đen 1.000g, nước 5 lít, nấu còn 3 lít, lại chế vào 5 lít rượu, xong nấu tiếp cạn còn 3 lít, chia ra làm 3 lần, uống lúc còn nóng cho đến khi khỏi mới thôi.
Chữa bụng trướng do ăn cá độc: đậu đen sắc lấy nước uống khi còn ấm.
Chữa đau đầu: đậu đen 3 phần sao hơi có khói và cho vào 5 phần rượu ngâm trong 7 ngày, đậy kín sau đưa ra uống hết.
Chữa mất ngủ: đậu đen nấu nóng rồi cho vào một vỏ gối đen mà gối đầu, khi nguội lại thay đậu đen nóng khác.
Kinh trị âm chứng bí phương: lấy lượng đậu đen vừa phải, sao già rồi đổ rượu vào, đậy kín cho khỏi bay mất hơi, chờ nguội uống rất hay.
Chữa chứng đái tháo đường: chọn một trong hai phương pháp sau:
- Đậu đen tán nhỏ, dồn vào một cái túi mật bò, phơi trong bóng râm (âm can) 100 ngày sau tán làm thành viên to chừng 2g. Mỗi ngày uống 1 viên, uống hết thuốc là bệnh khỏi.
- Đậu đen, thiên hoa phấn hai vị có lượng như nhau, tán nhỏ trộn hồ làm viên to bằng hạt ngô, mỗi lần uống 70 viên, lấy đậu đen sắc lấy nước làm thang uống thuốc, ngày uống 2 lần, rất công hiệu. Phương này có tác dụng hay với chứng tiêu khát do thận hư.
Chữa tiêu chảy hoắc loạn: đậu đen 1 vốc nghiền sống rồi hòa với nước uống.
Theo suckhoedoisong.vn