Gạch ngang và gạch nối tưởng như đã rõ ràng và không có gì phải bàn thêm. Tuy nhiên trong thực tế, vẫn còn nhiều lẫn lộn khi sử dụng, kể cả trong các xuất bản phẩm. Những nhầm lẫn đó đó do nhiều nguyên nhân: có thể do tác giả, do người nhập dữ liệu, do biên tập, do chế bản hoặc do diện tích nhỏ trong khi trình bày ở các sản phẩm quảng cáo,... Do vậy, những vấn đề về dấu gạch ngang và dấu gạch nối cần được phân tích lại, phân tích thêm và đưa ra hướng giải quyết hợp lí.
I. KHÁI NIỆM
1. Dấu gạch ngang
Theo Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, trang 701, NXB Văn hóa – Thông tin, 1999): “Gạch ngang dt. Dấu (–), dài hơn gạch nối; thường dùng để tách riêng ra thành phần chú thích thêm trong câu; viết ghép một tổ hợp hai hay nhiều tên riêng, hai hay nhiều số cụ thể; đặt ở đầu dòng nhằm viết các phần liệt kê, các lời đồi thoại; còn gọi là Dấu gạch ngang”.
Một vài vấn đề nảy sinh và lưu ý: Không nhầm giữa dấu gạch ngang với đường gạch ngang (gạch thành một đường dài, ngang). Phân biệt dấu gạch ngang giữa (–) với dấu gạch ngang dưới (_). Có lẽ do dấu gạch ngang dưới ít được sử dụng trong thực tế nên người ta thường dùng dấu gạch ngang thay cho cách gọi đầy đủ là: dấu gạch ngang giữa. (?)
2. Dấu gạch nối
Theo Đại từ điển tiếng Việt, (Nguyễn Như Ý chủ biên, trang 701, NXB Văn hóa – Thông tin, 1999): “Gạch nối dt. Dấu (-), ngắn hơn gạch ngang; thường dùng để nối những thành tố đã được viết rời của từ đa tiết phiên âm; còn gọi là Dấu gạch nối”.
Cần chú ý phân biệt dấu gạch nối với dấu nối trong âm nhạc (không có chữ gạch) – Dấu nối – dấu nhạc có hình cung nối hai hay nhiều nốt cùng cao độ, cùng tên, chỉ sự kéo dài trường độ của một âm.
II. PHÂN BIỆT
Ngay trong khái niệm đã chỉ ra sự khác nhau giữa hai dấu song còn trừu tượng. Những phân tích sau đây sẽ giúp chúng ta phân biệt rõ hơn:
1. Về bản chất
Dấu gạch ngang là một dấu trong câu, còn dấu gạch nối là một dấu trong từ.
2. Về hình thức và cách trình bày
Dấu | Hình thức | Cách trước | Cách sau | Ví dụ |
Gạch ngang | Dài (–) | Khoảng trắng (1 cách) | Khoảng trắng (1 cách) | Hà Nội – Thủ đô yêu dấu … |
Gạch nối | Ngắn (-) | Không | Không | Mát-xcơ-va là thủ đô của nước Nga |
3. Giá trị sử dụng
Dấu gạch nối thường hay bị nhầm lẫn với dấu gạch ngang. Trong khi dấu gạch ngang có nhiều giá trị sử dụng khác nhau thì gạch nối chỉ có một mục đích chính. Cụ thể:
3.1. Dấu gạch ngang
– Đặt giữa câu để chỉ ranh giới của thành phần chú thích trong câu. Ví dụ: Trường ĐHSP Hà Nội – cơ quan chủ quản của NXB Đại học Sư phạm …
– Đặt đầu câu để đánh dấu những lời đối thoại, lời nói trực tiếp của nhân vật. Ví dụ:
– Anh viết bài gì đấy?
– Tôi viết bài Dấu gạch ngang và Dấu gạch nối để gửi Tạp chí Xuất bản Việt Nam.
– Đặt ở đầu dòng để đánh dấu những thành phần liệt kê (các gạch đầu dòng). Ví dụ:
Bài viết này đề cập đến các vấn đề sau:
– Khái niệm gạch ngang, gạch nối
– Phân biệt gạch ngang, gạch nối
– Lí do không nên nhầm lẫn giữa gạch ngang và gạch nối
– Cách xử lí gạch nối thành gạch ngang và ngược lại.
– Đặt giữa hai, ba, bốn tên riêng để chỉ một liên danh. Ví dụ: Theo kế hoạch, năm mới 2012 sẽ có cầu truyền hình Hà Nội – Huế – TP. Hồ Chí Minh.
– Đặt giữa hai con số ghép lại để chỉ một liên số hoặc một khoảng số. Ví dụ: Nhiệt độ trung bình của nước ta là 22 – 250C, lượng mưa trung bình năm 1.500 – 2.000mm, độ ẩm không khí 80 – 85% ...
– Để chỉ sự ngang hàng trong quan hệ. Ví dụ: Mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt – Lào …
– Trong toán học:
+ Dấu gạch ngang là một phép tính trong toán học – phép trừ. Ví dụ: 25 – 5 = 20
+ Dấu gạch ngang là một dấu âm. Ví dụ: 5 – 25 = – 20
– Trong tiếng Anh, dấu gạch ngang cũng rất quan trọng và khác hẳn dấu gạch nối về chức năng. (Trong giới hạn phạm vi bài viết này, chúng tôi không phân tích).
3.2. Dấu gạch nối
– Dấu gạch nối thường được dùng trong những trường hợp phiên âm tên người, tên địa danh nước ngoài. Ví dụ: Lê-nin, Lê-nin-grát, Phi-đen Cát-xtơ-rô, La Ha-ba-na,…
– Dấu gạch nối cũng còn được dùng trong phiên âm tiếng nước ngoài, nhất là khi dùng cho những đối tượng người đọc nhỏ tuổi. Ví dụ: Ra-đi-ô, ki-lô-gam,…
– Đặt giữa các con số chỉ ngày tháng năm. Ví dụ: Dự kiến vào ngày 31-1-2012, tôi sẽ gửi bài cho Tạp chí Xuất bản Việt Nam.
III. MẤY LÍ DO KHÔNG NÊN NHẦM GIỮA GẠCH NGANG VÀ GẠCH NỐI
– Tầm quan trọng của việc phân biệt này đã được thể hiện bằng việc nó được đưa vào nội dung giảng dạy trong môn Ngữ văn, lớp 7.
– Nếu để gạch đầu dòng và dấu gạch trước các lời đối thoại là gạch ngắn (gạch nối) nhìn sẽ xấu và dễ lẫn vào đoạn văn.
– Nếu để gạch ngang là gạch nối và phân biệt gạch ngang và gạch nối bằng việc có hay không khoảng trắng hai bên thì sẽ không tồn tại hai loại dấu. Ngoài ra, khi đó dấu gạch ngang sẽ không tương ứng với khoảng cách 1 chữ của văn bản và làm cho văn bản không được đẹp.
– Nếu để toàn gạch ngang thì ngoài việc không tồn tại hai loại dấu còn làm cho các các từ nối bị cách nhau. Như thế vừa không đúng vừa không đẹp. Ví dụ: Mát-xcơ-va sẽ thành Mát–xcơ–va; hoặc Mát-xcơ-va sẽ thành Mát - xcơ - va
IV. CÁCH XỬ LÍ GẠCH NỐI THÀNH GẠCH NGANG VÀ NGƯỢC LẠI
Trong Microsoft Word, người lập trình đã mặc định để thành gạch ngang nếu ta đánh khoảng trắng trước và sau nó trong văn bản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (do không phân biệt rõ ý nghĩa hai dấu, do cẩu thả trong khi nhập liệu, do không chú ý trong khi biên tập,…) mà có sự nhầm lẫn giữa hai dấu.
Cách xử lí sau đây dành cho người nhập liệu, biên tập viên và chế bản vi tính:
1. Với người nhập liệu (nhập tex)
Chương trình của máy tính cũng đã lập trình sự khác biệt này. Khi nhập liệu, dấu nối thì không “cách”; còn dấu gạch ngang không cần giữ Ctrl + phím gạch trên bàn phím số mà cứ “cách” rồi nhập dấu gạch trên bàn phím chữ và “cách” rồi tiếp tục nhập liệu là dấu này tự động chuyển thành gạch ngang. Với dấu gạch đầu dòng thì phải giữ Ctrl + dấu gạch trên bàn phím số.
2. Với chế bản
Dựa vào chức năng thay đổi (Replace) trong Word để chỉ định và thực hiện lệnh này. Song cần phải sử dụng nút Find Next:
– Nếu ta muốn đổi từ gạch nối thành gạch ngang: Bấm Ctrl+H rồi nhập (hoặc Copy từ văn bản và Paste) gạch nối (ngắn) vào ô Find what rồi nhập (hoặc Copy từ văn bản và Paste) gạch ngang (dài) vào ô Replace with. Sau đó nhấn nút Find Next để tìm và thay thế (bấm Replace). Chú ý không bấm Replace All. Ta lặp lại thao tác cho đến khi hết văn bản sẽ hiện lên một hộp thoại. Khi đó ta bấm OK là được. Trong quá trình đổi, nếu bấm nhầm lệnh đổi nào ta có thể Ctrl+Z lại.
– Nếu ta muốn đổi từ gạch ngang thành gạch nối: Bấm Ctrl+H rồi nhập (hoặc Copy từ văn bản và Paste) gạch dài vào ô Find what rồi nhập (hoặc copy từ văn bản và Paste) gạch nối vào ô Replace with. Sau đó nhấn nút Find Next để tìm và thay thế (bấm Replace) Chú ý không bấm Replace All. Ta lặp lại thao tác cho đến khi hết văn bản sẽ hiện lên một hộp thoại. Khi đó ta bấm OK là được. Trong quá trình đổi, nếu bấm nhầm lệnh đổi nào ta có thể Ctrl+Z lại.
3. Với biên tập viên
Cần hiểu được bản chất của hai dấu. Thống nhất và chỉ định cho chế bản vi tính sửa nếu có nhầm lẫn trong bản thảo và thực hiện kiểm tra đầy đủ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét